Lựa nhạc ‘Tây’ nghe Tết ta

Đây đều là những đĩa nhạc kinh điển, những ca khúc kinh điển, nhưng dễ nghe ngay cả với số đông người Việt, cho dù có đôi chút lên giọng gắt gao với Alanis Morisette.
1. Contemporary Jazz:
Heartfelt – Fourplay
jazz_heartfelt_ynvx
Một trong những đĩa nhạc được đánh giá cao nhất của nhóm nhạc chuyên trị dòng jazz hòa tấu đương đại. Trên thực tế, Heartfelt cũng mang khá nhiều màu sắc new age, những bản hòa tấu được sắp xếp theo kiểu concept, liền lạc từ đầu tới cuối album và không hề khiến người nghe cảm thấy mệt mỏi chút nào, trái lại, còn mang lại sự thư giãn trong một chừng mực nhất định.

Không chỉ vậy, album còn được giới phê bình đánh giá rất cao bởi mỗi thành viên trong nhóm đều đã tung ra những màn solo “tuyệt đỉnh” về mặt kỹ thuật, như tay trống Harvey Mason trong bản That’s The Time, những cú vuốt và tỉa guitar điệu nghệ của Larry Carlton trong bản Rollin’. Dĩ nhiên, Nathan East cũng có sân chơi cho riêng mình trong bản Let’s Make Love, còn linh hồn của nhóm – Bob James như đưa người nghe về với thập niên 1970 qua tiếng đàn organ tuyệt hảo ở bản Break It Out, gợi nhớ lại một siêu phẩm khác của ông: Weschester Lady. Dĩ nhiên, những bản nhạc như Tally Ho! Hay Ju-Ju cũng đều hay đến bất ngờ, như mang đến cho người nghe một chân trời tươi mới và ngập tràn cảm xúc. Thật đáng tiếc, cho đến tận thời điểm này, Fourplay vẫn là một cái tên còn xa lạ với người nghe nhạc Việt Nam, ngay cả các jazz fan hay dân mê nhạc hòa tấu cũng còn ít biết đến các album của nhóm…

Time And Place – Claire Martin

jazz_time_and_place_djkp

Nữ ca sĩ người Anh, “cục cưng” của Linn Records đúng là một viên ngọc quý của làng jazz. Và album mới nhất của cô, Time And Place cũng được coi là viên ngọc quý cho những người mê jazz, đặc biệt là chất jazz hơi màu mè và điệu đà theo kiểu châu Âu. Điều đáng nói là trong Time And Place, Claire Martin lần đầu tiên kết hợp với một bộ tứ cello và kết quả thu được thật bất ngờ. Màu âm ấm áp, thi thoảng “gằn gừ” của cây đàn cello hóa ra lại rất hợp với chất giọng khàn khàn đầy cá tính của Claire Martin, khiến cho mỗi ca khúc bỗng nhiên hay hơn bội phần.

Sự tinh tế và kiểu cách đến từ những bản ballad chậm rãi, buồn bã như My Ship hay Round Midnight, còn niềm hứng khởi chắc hẳn phải được tìm thấy ở “cái đinh” của cả album: The Man Who Sold The World, từng được cả thế giới tán thưởng qua tiếng ca của David Bowie và sau đó là nhóm Nirvana huyền thoại. Nhưng phải thừa nhận phiên bản của Claire Martin cũng độc đáo và không kém phần lôi cuốn, từ sự phá cách trong lối ngắt câu, nhả chữ cho tới phần đệm với nhiều kỹ thuật diễn tấu phức tạp của 4 cây cello và bộ gõ, tất cả đã làm nên một kiệt tác jazz đương đại khiến người thưởng thức phải nhớ mãi. Cộng thêm She’s Leaving Home của Beatles, hai ca khúc đủ gánh cả album dù tất cả ca khúc còn lại cũng thừa khả năng lay động con tim mọi tín đồ của jazz. Một album đỉnh cao…

Love Me Tender – Barb Jungr
jazz_love_me_tender_zdsx

Một ngôi sao jazz Anh quốc chọn hát lại những ca khúc được yêu thích của ông vua nhạc rock Mỹ Elvis Presley theo cách riêng của mình, như một lời tôn vinh từ đáy trái tim. Chất jazz trong Love Me Tender tương đối đậm đặc nhưng được pha cùng “gia vị” R&B bỗng trở nên dễ nghe, dễ cảm hơn, đặc biệt với những người không quá mê jazz. Việc biểu diễn cùng một ban nhạc nhỏ, đôi khi chỉ hát cùng một cello, một piano đã giúp người nghe “thấm” hơn chất giọng ấm áp nhưng gai góc và cách xử lý điêu luyện của một giọng ca xuất chúng.

Wooden Heart hay Always On My Mind vốn tươi tắn là vậy nay bỗng mang dáng vẻ sầu muộn não nề, còn nỗi lòng tương tư trong Heartbreak Hotel cũng được thể hiện theo một cách thật mệt mỏi. Qua album này, Barb Jungr đã làm rõ nghĩa của từ “cover”: xây dựng lại, sắp xếp lại và diễn giải nó theo một phong cách mới. Những Kentucky Rain, In The Ghetto hay Tomorrow Is A Long Time bỗng nhiên nặng trĩu như một ngày mưa buồn, còn Are You Lonesome Tonight đúng là một lời thủ thỉ trong đêm khuya thanh vắng. Thi vị, đẹp và buồn, Love Me Tender thích hợp để nghe những lúc tâm trạng thật lắng đọng. Ra mắt lần đầu năm 2005, đĩa nhạc này liên tục được tái bản và hiện giờ đã có version độ phân giải 24bit trên website Linn Records và cả SACD…

Soundtrack – Linda Eder
jazz_soundtrack_kwoi

Một ngôi sao của sân khấu Broadway khi chuyển sang hát jazz cũng đạt tới đẳng cấp như jazz vocalist lâu năm, đó là Linda Eder. Và đây là tuyển tập nhạc phim/nhạc kịch, rất hay nhưng ít phổ biến, chỉ được biết đến bởi những đôi tai sành sỏi. Mở đầu bằng I Will Wait For You, người nghe sẽ ngay lập tức tìm thấy được những cảm giác khắc khoải của sự chờ đợi, kéo dài ra thành sự tuyệt vọng. Giọng ca của Linda Eder khá cao nhưng vẫn vương vấn chút màu khê khàn của khói trong cổ họng. Against All Odds quen thuộc của Phil Colins ấm áp, mộc mạc với đoạn intro guitar rất ấn tượng. Bè dây chơi dìu dặt từ sau đoạn điệp khúc mang lại cho ca khúc một thoáng buồn vời vợi. Charade tưng bừng theo phong cách big-band pha màu latin tung tẩy với tiếng guitar tỉa tót và tiếng cotrabass thật nẩy cùng nhịp điệu piano jazz réo rắt. Một ca khúc rất tuyệt, từ giai điệu tới phần hòa âm phối khí. Những người nghe sành sỏi sẽ gặp lại ở đây Valley Of Dolls rất nổi tiếng từ bộ phim cùng tên, mang lại thật nhiều cảm xúc khác biệt. Còn các rock fan hẳn sẽ bất ngờ, vì (Everything I Do) I Do It For You đã được jazz hóa rất tài tình dù nét giai điệu vẫn còn nguyên vẹn. Khoan nhặt, đẩy đưa mà vẫn bùng nổ…

2. Pop/Rock:

Greatest Hits: The Ultimate Collection – Bon Jovi

pop_ultimate_bon_jovi_uvsb
Cặp đĩa đôi này là tập hợp những ca khúc đã giúp cho “đại sứ của rock ‘n’ roll Hoa Kỳ” tỏa sáng trong gần 3 thập niên vừa qua. Một album đầy hoài niệm, nhưng cũng vẫn mang lại cho người nghe rất nhiều hứng khởi, mê say, như lần thưởng thức đầu tiên vậy. Cũng là rock, nhưng dường như Bon Jovi và ban nhạc của anh chưa bao giờ cuồng loạn quá mức, thay vào đó là sự “bùng nổ có chừng mực”, chú trọng vào giai điệu và một chút gì đó rất tươi sáng, rực rỡ kiểu Def Lepard.

Những kiệt tác It’s My Life, Have A Nice Day, Living On A Prayer hay You Give Love A Bad Name là minh chứng rõ rệt cho điều này. Và thứ làm cho người ta (đặc biệt là phái đẹp) nhớ đến Bon Jovi nhiều hơn cả, chính là ballad. Tin chắc đến giờ này, những nét nhạc thật đẹp của Always, Blaze Of Glory, Bed Of Roses vẫn còn hằn sâu trong lòng những ai đã từng đắm chìm cùng rock vào những năm 90 – thời nhạc ngoại bắt đầu lan tràn mạnh mẽ ở Việt Nam. Có thể nói, Greatest Hits là một album rất đáng mua, kể cả với những người có thể chưa biết rõ Bon Jovi là ai. Âm nhạc rất đẳng cấp nhưng hoàn toàn dễ nghe, lại có  đầy đủ những bản “hits” xuất sắc nhất – rất đúng với tên gọi của mình.

The Greatest Love Songs Of All Time – Barry Manilow

pop_the_greatest_love_songs_of_all_tme_hetz
Một album cổ điển, thực sự đáng thưởng thức của nghệ sĩ gạo cội với giọng hát từng làm điêu đứng con tim của hàng triệu phụ nữ Mỹ, và nó mang lại cho người nghe cảm giác hoài niệm về một thời đã qua, với những ca khúc đỉnh nhất của các nghệ sĩ đỉnh nhất. Chúng ta có thể gặp ở đây Love Me Tender, Love Story, The Look Of Love, Love Is Here To Stay, We’re Only Just Begun, When You Were Sweet Sixteen… Có thể thấy ngay, Barry Manilow không cố trình bày các ca khúc hay hơn bản gốc, đơn giản, ông chỉ làm cho chúng trở nên dễ nhớ hơn mà thôi. Ông hát các bài hát hay cho các fan của mình, hay rộng hơn, cho những người luôn muốn kiếm tìm hoài niệm bằng âm nhạc.

Dường như Barry Manilow đã thực sự thoát khỏi cái bóng của người xưa. The Look Of Love tung tẩy, bay bổng, không quánh màu jazz mà có một chút gì đó thật êm ái, dịu dàng. Hay như bản We’ve Only Just Begun, nghe Barry hát, người nghe sẽ thấy sự tươi sáng, trong trẻo chứ không sầu muộn như Carpenter.  Mặc dù không được giới phê bình đánh giá cao nhưng The Greatest Love Songs Of All Time lại bán rất chạy, bởi nó dễ nghe và có giá trị kỷ niệm cao. Như thế đã là quá đủ.

Jagged Little Pill – Alanis Morissette

pop_jagged_little_pill_ygyd

Album này được nhiều người đánh giá là xuất sắc của nữ rocker Canada, với 28 triệu bản tiêu thụ trên thế giới. Các ca khúc do Alanis Morissette sáng tác dường như có một thứ quyền năng đặc biệt, chúng bắt người nghe phải quan tâm, phải suy nghĩ, phải thắc mắc, phải dằn vặt… You Oughta Know – ca khúc đinh của album cho tới nay vẫn được coi là một bản nhạc rock “mẫu mực” của thập niên 1990 – tràn đầy sự giận dữ, u ám, khơi gợi trong lòng người nghe những khát vọng bùng nổ. Cũng tiếng trống dồn dập. Cũng tiếng guitar gay gắt. Những câu lead như muốn chọc thủng màng tai.

Nhưng có lẽ bản Ironic còn nổi tiếng hơn cả You Oughta Know. Đó là những cảm giác của sự mệt mỏi, bực dọc, bức bối. Những cảm giác cay đắng khi nhận ra ước mơ đã bị bóp nát. Jagged Little Pill luôn lưu lại sự nặng nhọc, chán chường trong lòng thính giả nhưng cũng rất hấp dẫn để họ phải nghe lại lần thứ hai, thứ ba, thứ tư… Một sự tương phản khá thú vị. Cho nên, bên cạnh Grammy 1996 cho Album Rock hay nhất, Jagged Little Pill cũng giành luôn danh hiệu cho Album của năm. Liên tục được tái bản ở nhiều thị trường khác nhau trên thế giới, đã có phiên bản acoustic do chính Alanis Morissette thể hiện. Cực kỳ đáng sở hữu với những người yêu thích dòng alternative cổ điển.

Tapestry – Carole King

pop_tapestry_cujb
Ra đời năm 1971, Tapestry đơn giản được coi là một trong những album kinh điển và thành công nhất trong lịch sử pop – rock đương đại. Vốn đã là một tác giả tài ba, Carole King cũng đạt tới đẳng cấp ngôi sao biểu diễn với Tapestry. Bằng chất giọng ấm áp đầy lôi cuốn, bằng những giai điệu dung dị nhưng trẻ trung và đầy biến hoá, Carole King đã biến Tapestry thành một điều gì đó hết sức thân mật, gần gũi với tất cả người nghe, từ già đến trẻ, đàn ông hay đàn bà.
Năm 1960, khi mới 18 tuổi, Carole King đã sáng tác ca khúc đỉnh cao Will You Love Me Tomorrow cho nhóm The Shirelles và cô đã thể hiện lại nó theo một phong cách khác trong Tapestry. Bản You Make Me Feel (Like a Nature Woman) dịu dàng, ngọt ngào hơn so với lối hát đay đả, dằn vặt của bà hoàng nhạc soul Aretha Franklin hay bùng nổ, dữ dội của Celine Dion sau này. Ca khúc xuất sắc nhất It’s Too Late đã đứng ở vị trí số 1 bảng xếp hạng ca khúc ăn khách nhất nhiều tuần liên tiếp trong năm 1971. James Taylor cũng được lợi nhiều khi cùng song ca với Carole King bản You’ve Got A Friend… Tapestry giữ ngôi quán quân bảng xếp hạng album bán chạy nhất trong 15 tuần liên tiếp, 6 năm liền không rời khỏi bảng này, mang về cho Carole King 4 giải Grammy 1972.

Leave a comment